Phát triển kinh tế tư nhân trong khai thác lợi thế kinh tế cửa khẩu, kinh tế công nghiệp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2010-2016

Ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ban hành nghị quyết số 14-NQ/TW về tiếp tiếp tục đổi mới, cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đến cuối năm 2009, đầu năm 2010, tại tỉnh Lào Cai, khu kinh tế tỉnh Lào Cai cơ bản được hình thành trên cơ sở khu kinh tế của khẩu và các khu công nghiệp, khu thương mại- công nghiệp. Việc triển khai thực hiện nghị quyết trong giai đoạn này tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển rộng khắp, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Lào Cai.

 Về phát triển khu kinh tế của khẩu tỉnh Lào Cai: được thành lập theo quyết định số 100/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ và được mở rộng theo các quyết định 09/2003/QĐ-TTg ngày 10/01/2003, quyết định 44/2008/QĐ-TTg ngày 26/3/2008, quyết định số 40/2016/QĐ-TTg ngày 22/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ đến nay diện tích khu kinh tế của khẩu đã lên đến 15.929,8 ha. Về hệ thống các cửa khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu chính Mường Khương và các cửa khẩu phụ: Bản Vược, Y Tý, Pha Long, Lồ Cố Chin. Đồng thời thí điểm xuất khẩu nông sản tại các khu vực Bản Quẩn, Na Lốc (huyện Mường Khương), Lũng Pô (huyện Bát Xát) tỉnh Lào Cai. Tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 9,442 triệu USD, năm 2015 đạt 2,255 triệu USD. Thu ngân sách từ hoạt động cửa khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 7.576 tỷ đồng.

Xuất khẩu vải tươi qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành)

Đến hết năm 2015, hoạt động xuất nhập cảnh đạt trên 3 triệu lượt, phương tiện xuất nhập cảnh đạt 160 nghìn lượt. Với các thủ tục ngày càng nhanh gọn đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ cá thể, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động biên mậu, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.

Về phát triển các khu công nghiệp: Hiện nay tỉnh Lào Cai có 01 khu TM-CN Kim Thành (diện tích 182,36 ha); có 03 khu công nghiệp (tổng diện tích 1.328,36 ha), trong đó: KCN Đông Phố Mới 100 ha, KCN Bắc Duyên Hải 85 ha, KCN Tằng Loỏng 1.100 ha. Tính đến thời điểm hiện tại các KCN, khu TM-CN Kim Thành có 173 dự án đăng ký đầu tư (tăng 40 dự án so với năm 2010), với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 23.808 tỷ đồng (tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2010). Doanh thu năm 2015 đạt 20.262 tỷ đồng, tăng 3,07 lần so với năm 2010; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 4.422,6 tỷ đồng tăng 11,7 lần so với năm 2010; nộp ngân sách nhà nước năm 2015 tăng 4,6 lần so với năm 2010.

Trong tổng số dự án đăng ký đầu tư đã có 108 dự án đã đi vào hoạt động; 19 dự án đang triển khai xây dựng; 46 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Tính đến nay mặt bằng các KCN Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới đạt tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%, khu thương mại- công nghiệp Kim Thành đạt tỷ lệ lấp đầy đạt 80%, khu công nghiệp Tằng Loỏng tỷ lệ lấp đầy đạt 85%. Các dự án đầu tư chủ yếu trên các lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, chế biến khoáng sản, xây dựng… Cơ cấu về ngành, nghề, sản phẩm và quy mô vốn đầu tư có nhiều thay đổi; xuất hiện nhiều ngành, nghề, sản phẩm mới. Sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, có uy tín, có thương hiệu.

Về lao động việc làm: Hoạt động đầu tư và sản xuất tại các khu công nghiệp và hoạt động thương mại tại các cửa khẩu những năm qua đã tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Riêng các KCN đã giải quyết việc làm ổn định thường xuyên cho người lao động được đào tạo trên 7.300 người, trong đó có trên 80% là lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Khối doanh nghiệp tư nhân tạo việc làm cho trên 5.000 lao động. Lực lượng lao động này đang dần hình thành đội ngũ lao động công nghiệp hiện đại trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân được chú trọng, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Cụ thể:

- Với việc thành lập Ban quản lý Khu kinh tế trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lào Cai và Ban quản lý các cửa khẩu tỉnh Lào Cai đã làm tăng năng lực quản lý đối với các hoạt động kinh tế nói chung cũng như kinh tế tư nhân trong phạm vi quản lý. Ban đã chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, xúc tiến đầu tư cho kinh tế tư nhân trong các khu công nghiệp, hỗ trợ trong hoạt động xuất nhập khẩu đã đem lại kết quả tích cực. Ngoài ra, Ban đã cùng với các ngành thành viên nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đảm bảo ổn định tại cửa khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân được tiếp thu, giải quyết nhanh những vướng mắc, sớm phát hiện những bật cập để kịp thời điều chỉnh. Ngoài ra đã kịp thời động viên, biểu dương những điển hình, chỉ ra những điểm yếu của doanh nghiệp từ đó có biện pháp khắc phục.

- Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, mang lại những kết quả tích cực, có tác động mạnh mẽ tới hoạt động của kinh tế tư nhân, nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp. Phối hợp tốt với các đơn vị trong công tác thanh tra, kiểm tra của Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, hạn chế tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

- Thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ, Ban đã chỉ đạo triển khai các dịch vụ trông giữ hàng hóa qua đêm, cho thuê kho bãi, địa điểm kinh doanh, vệ sinh môi trường, trông giữ xe… Nhìn chung, các dịch vụ được thực hiện tốt, đảm bảo đúng quy định tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong khu kinh tế.

Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân được tăng cường, vai trò của các đoàn thể từng bước được nâng lên. Tình hình hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể đối với 108 doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tại các khu công nghiệp cụ thể như sau:

- Đã thành lập tổ chức Đảng tại 17/108 doanh nghiệp với 412 Đảng viên (trong đó có 06 doanh nghiệp tư nhân với 53 đảng viên).

- Đã thành lập tổ chức Công đoàn: 29/108 doanh nghiệp chiếm 26,1% với 5.240 đoàn viên (trong đó có 20 doanh nghiệp tư nhân đã thành lập được tổ chức Công đoàn với 1.308 đoàn viên).

- Đã thành lập Đoàn thanh niên: 14/108 doanh nghiệp 12,6% với 3.225 đoàn viên (trong đó có 5 doanh nghiệp tư nhân đã thành lập được tổ chức đoàn thanh niên với 301 đoàn viên).

Ngoài ra, có 15 Đảng viên thuộc các doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng hiện đang sinh hoạt tại nơi cư trú, có 04 Đảng viên đang làm việc tại Chi nhánh nằm trong Khu công nghiệp và sinh hoạt Đảng tại Công ty mẹ ở địa phương khác, 29/29 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đều thành lập Ban nữ công.

Có thể khẳng định rằng, trong khu kinh tế tỉnh Lào Cai, Nghị quyết số 14-NQ/TW đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đổi mới tư duy kinh tế - xã hội, tạo môi trường kinh doanh và tâm lý xã hội thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Bản thân kinh tế tư nhân đã tích cực, chủ động vươn lên, dần khắc phục những tồn tại, yếu kém, khai thác mọi tiềm năng để phát triển; các doanh nghiệp tư nhân đã từng bước xây dựng kế hoạch và chiến lược kinh doanh phù hợp với khả năng của mình.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW còn một số hạn chế sau:

- Việc đánh giá đúng mức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân có lúc chưa thống nhất. Một số nội dung Nghị quyết đã nêu, song chưa được chú ý để triển khai thực hiện (công tác phát triển Đảng, các tổ chức đoàn thể chưa mạnh). Việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số cơ chế, chính sách chưa kịp thời.

- Công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu nên chưa thực sự định hướng tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Chưa thực sự phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật. Các doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới cho các doanh nghiệp chưa được chú trọng. Thủ tục hành chính tuy đã được cải cách nhưng vẫn còn phức tạp.

- Kinh tế tư nhân tuy phát triển nhưng so với các thành phần kinh tế khác và so với yêu cầu phát triển vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém về quy mô, nguồn vốn, ít có sự liên kết, trình độ và tay nghề của công nhân chưa cao, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp… Công tác quản trị doanh nghiệp còn yếu, báo cáo chưa minh bạch chưa phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Vấn đề đảm bảo môi trường chưa được các doanh nghiệp tư nhân quan tâm.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế là sự quan tâm và mức độ đầu tư đối với kinh tế tư nhân nhìn chung còn ít. Các doanh nghiệp tư nhân hầu hết mới được hình thành và phát triển nên tài sản, vốn còn ít, khả năng cạnh tranh trên thị trường hạn chế. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư trong những năm gần đây cộng với sự đi vào hoạt động của đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn. Tuy nhiên hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại các cửa khẩu phụ và lối mở còn hạn chế, chưa đáp ứng hoạt động biên mậu. Hoạt động thương mại trong khu kinh tế cửa khẩu phụ thuộc vào chính sách biên mậu từ phía Trung Quốc nên thiếu ổn định. Mặt khác thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến sản phẩm sản xuất tồn kho nhiều.

Bước vào giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đề án số 02-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về phát triển Khu kinh tế tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020; kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh Lào Cai và chương trình hành động số 07/CTr-BQL ngày 08/7/2016 của Ban quản lý, định hướng phát triển khu kinh tế tỉnh Lào Cai đến năm 2020 phấn đấu đạt các mục tiêu:

- Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 5 tỷ USD.

- Giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) trong khu công nghiệp đạt 21.117 tỷ đồng, đạt 63,3% giá trị sản xuất toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 117,8%.

Để góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân là một trong các giải pháp quan trọng và cần được quan tâm, khai thác tốt lợi thế về kinh tế cửa khẩu và kinh tế công nghiệp, cụ thể:

* Về phát triển công nghiệp:

- Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư đến năm 2020 lấp đầy 100% các khu công nghiệp hiện có.

- Thành lập mới khu công nghiệp tại khu vực phía tây thành phố Lào Cai (Đến năm 2020 dự kiến lấp đầy 30%, năm 2030 lấp đầy 100%).

- Khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực gắn khai thác với chế biến sâu các loại khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Nâng công suất các nhà máy sản xuất phân lân đáp ứng yêu cầu trong nước; phân lân xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu…

- Đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm từ nguyên liệu là phốt pho vàng, sản xuất axít... phục vụ sản xuất.

* Về phát triển kinh tế cửa khẩu:

- Tập trung xây dựng quy hoạch phát triển Khu kinh tế cửa khẩu theo quyết định 40/2016/QĐ-TTg ngày 22/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng khu kinh tế của khẩu tỉnh Lào Cai. Đây là điều kiện quan trọng góp phần phát triển kinh tế tư nhân trên cơ sở khai thác tốt các lợi thế trong khu kinh tế cửa khẩu.

- Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu chính; Phối hợp với nước bạn để đưa các cửa khẩu phụ vào hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.

Với những kết quả và định hướng như trên, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn 2016-2020, đề nghị Chính phủ quan tâm có cơ chế ưu đãi về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng về giao thông, xử lý môi trường cho các khu công nghiệp và hệ thống cửa khẩu để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020./.

Nguyễn Ngọc Tiến
 Phòng Kế hoạch - Tổng hợp

Tin khác





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập