Lào Cai chuyển đổi số để phát triển
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển.

Đối với tỉnh Lào Cai, được xác định là trung tâm kết nối vùng trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Lào Cai đang có những bước đi của riêng mình để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, với khát vọng chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Tạo hành lang pháp lý, môi trường cho chuyển đổi số

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ 16 xác định, “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn; hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số” là một trong hai lĩnh vực đột phá trong chiến lực phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2022. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ –TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025 (Đề án số 08). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022). UBND tỉnh ban hành Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Đây là những văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với mục tiêu chung là: Phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần cải cách hành chính trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; Phó Trưởng ban là các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy; thành viên là các đồng chí trưởng một số Ban khối Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Thủ trưởng một số sở, ngành trọng điểm về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, tại tỉnh Lào Cai đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đến nay, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch hoạt động, với 20 mục tiêu, 41 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện trong năm 2022.

anh tin bai

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Lào Cai

Thành quả bước đầu trong chuyển đổi số

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đã đạt những kết quả khả quan, bước đầu mang đến những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp

Tỉnh đã bắt tay xây dựng chính quyền số dựa trên những kết quả và sự thành công của kiến trúc chính quyền điện tử. Lào Cai đã thực hiện việc kết nối liên thông văn bản điện tử trong và ngoài tỉnh, ký số văn bản 4 cấp hành chính. Tính đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh có 1.761/1.966 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 89,5%. Đã triển khai tích hợp 1.303/1.761 (đạt 74%) dịch vụ công mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tổng số hồ sơ thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 tiếp nhận trực tiếp 86.320 hồ sơ đạt 55%; Tổng số hồ sơ thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 tiếp nhận trực tuyến 70.576 hồ sơ, đạt 45%. Đồng thời đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Duy trì ứng dụng Zalo trong xây dựng Chính quyền điện tử, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường; App công dân (Công dân số Lào Cai); App du lịch thông minh trên nền tảng thiết bị di động thông minh; hệ thống thông tin chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Covid-19 tại nhà, … phục vụ cho người dân, doanh nghiệp khai thác, tra cứu thông tin, thực hiện thủ tục hành chính.

Triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) đặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh giúp cho tỉnh giám sát, điều hành, điều phối, thống kê, báo cáo, hỗ trợ ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành, quản lý xã hội. Đồng thời lựa chọn UBND thị xã Sa Pa, UBND thành phố Lào Cai là các đơn vị điểm triển khai các phân hệ (OC) của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).

Đối với 03 lĩnh vực được ưu tiên triển khai chuyển đối số từ rất sớm là y tế, du lịch, giáo dục đã thu được những kết quả nhất định. Nếu như trước kia, giáo viên đã thành thục việc soạn, trình bày giáo án điện tử thì nay đã bước sang giai đoạn dạy trực tuyến. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm ứng phó với tình trạng khan hiếm nhân sự như hiện nay. Việc quản lý học sinh thông qua các phần mềm ứng dụng cũng giúp thầy cô giáo và nhà trường quản lý và đánh giá học sinh được cụ thể, sát thực tế hơn.

Đối với du lịch, tỉnh Lào Cai đã sở hữu bộ 3 sản phẩm du lịch thông minh gồm, Cổng thông tin du lịch thông minh; ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh (App) và phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến đã phần nào khẳng định sự tích cực của Lào Cai trong chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh.

Bà Lê Thị Thu Hà, một du khách đến từ thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Những năm gần đây, mỗi khi đi du lịch tôi thường đặt các dịch vụ qua các trang web trực tuyến. Việc này rất thuận tiện, giúp tôi giảm thời gian và chi phí, có thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi. Điểm đến du lịch tại Sa Pa lần này của chúng tôi cũng là được quyết định thông qua việc xem các thông tin thông qua các trang web trực tuyến”

Với những nỗ lực đó, các mục tiêu về chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai đã ghi được dấu ấn nhất định, cụ thể: Về phát triển hạ tầng số, đến nay, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh của Lào Cai đạt 51,4%; Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 53,3%.

Đối với phát triển chính phủ số và phát triển kinh tế số và xã hội số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 45%; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 43,73%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tửđ ạt 99%; Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 75%...

anh tin bai

Cấp phát thẻ gắn mã QR tại của khẩu quốc tế số 2 Kim Thành

Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy

Chính quyền đã tạo hành lang pháp lý, chuyển đổi số từ phía chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã có được những kết quả bước đầu đáng khích lệ tuy nhiên quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể:

Một số lãnh đạo, cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực tỉnh Lào Cai Cai có lợi thế như nông nghiệp, thương mại, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải,... Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số của tỉnh còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, giá trị thấp. Thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số; nguồn kinh phí dành cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn hạn chế. Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Nhìn từ thực tế khó khăn, hạn chế trong việc chuyển đổi số cho thấy việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, nhất là đối với người đứng đầu, đóng vai trò hết sức quan trọng và quyết định; việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và công nghệ là động lực; đảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đây chính là những nội dung mà tỉnh Lào Cai sẽ tập trung triển khai trong thời tới cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phát triển hạ tầng băng rộng, ưu tiên phát triển tại các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các khu du lịch,…; phát triển hạ tầng mạng 4G, 5G; phổ cập thuê bao cáp quang tại các hộ gia đình. Thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Triển khai các nền tảng số trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường …

Công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai còn rất nhiều việc phải làm, song nó không hề là công việc quá phức tạp mà “Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại. Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực dân cư thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng cao, mang lại giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp.” ông Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ với báo chí./.

Nguồn từ: Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập