Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế tỉnh Lào Cai

* Thông tin liên hệ:

- Địa chỉ: Tầng 3, Trụ sở Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, số 001, đường Nguyễn Huệ, phường Lào Cai, TP Lào Cai.

- Điện thoại: 02143.830.349

- Email: bqlda-bqlkkt@laocai.gov.vn

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế tỉnh Lào Cai được thành lập (trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình) tại Quyết định số 4325/QĐ-UBND, ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai. Và được kiện toàn lại tại Quyết định 3581/QĐ-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh Lào Cai, cụ thể:

1. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế tỉnh Lào Cai

1.1. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế tỉnh Lào Cai (sau đây gọi tắt là Ban quản lý dự án) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Lào Cai, hoạt động của Ban Quản lý dự án thực hiện theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên.

1.2. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trực tiếp quản lý về tổ chức và công tác chỉ đạo hoạt động của Ban Quản lý dự án.

1.3. Ban Quản lý dự án có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định.

1.4. Trụ sở của Ban Quản lý dự án đặt tại Trụ Sở của Ban Quản lý Khu kinh tế (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

2. Chức năng của Ban Quản lý dự án

2.1. Làm chủ đầu tư một số dự án và thực hiện quản lý dự án đồng thời nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công do UBND tỉnh quyết định đầu tư.

2.2. Tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

2.3. Tổ chức quản lý và giám sát chất lượng các dự án do mình làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

2.4. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

2.5. Thực hiện bàn giao công trình xây dựng hoàn thành cho chủ quản lý sử dụng công trình khi kết thúc xây dựng, hoặc trực tiếp quản lý, khai thác sử dụng công trình hoàn thành theo yêu cầu của người quyết định đầu tư.

2.6. Thực hiện tư vấn quản lý dự án cho các chủ đầu tư khác hoặc thực hiện một số công việc tư vấn trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án được giao và đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực theo quy định khi thực hiện công việc tư vấn.

2.7. Thực hiện các chức năng khác do UBND tỉnh giao.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý dự án

3.1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư gồm:

a) Lập kế hoạch đầu tư: Trên cơ sởkế hoạch đầu tư công trung hạn từng giai đoạn cũng như kế hoạch đầu tư hàng năm của tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, Ban Quản lý dự án tiến hành lập kế hoạch triển khai thực hiện các dự án hàng năm, trong đó phải xác định rõ các nguồn lực sử dụng, tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành, mục tiêu chất lượng và tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện;

b) Tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư: Thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ cảnh quan, môi trường, phòng chống cháy nổ có liên quan đến xây dựng công trình; tổ chức lập hoặc thuê tư vấn lập báo cáo chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát thiết kế, dự toán và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng như công tác lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định; tiếp nhận, giải ngân vốn đầu tư và thực hiện các công việc chuẩn bị dự án khác;

c) Công tác thực hiện đầu tư: Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt hoặc tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán xây dựng (theo phân cấp); phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có) thu hồi, giao nhận đất để thực hiện dự án; tổ chức lựa chọn nhà thầu; ký kết các hợp đồng; tổ chức giám sát quá trình thực hiện giải ngân, thanh toán theo hợp đồng xây dựng và một số công việc cần thiết khác;

d) Công tác kết thúc đầu tư: Tổ chức nghiệm thu, vận hành chạy thử, bàn giao công trình khi hoàn thành; quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, quản lý và bảo hành công trình;

đ) Các nhiệm vụ quản lý tài chính và giải ngân: Tiếp nhận, giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện dự án và hợp đồng ký kết với nhà thầu xây dựng; thực hiện chế độ quản lý tài chính, tài sản của Ban quản lý dự án theo quy định;

e) Các nhiệm vụ giám sát, đánh giá và báo cáo: Thực hiện giám sát đánh giá đầu tư theo quy định pháp luật; định kỳ đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3.2. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án gồm:

a) Tổ chức thực hiện các nội dung quản lý dự án theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Phối hợp hoạt động với tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án để bảo đảm yêu cầu về tiến độ, khối lượng, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường;

c) Thực hiện công tác quản lý dự án theo hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư khác hoặc ủy quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

3.3. Được ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án cho các dự án khác và thực hiện một số công việc tư vấn trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án được giao và đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật.

3.4. Giám sát thi công xây dựng công trình khi đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật; Thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn, có sự cố gây mất an toàn công trình; phối hợp với các nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

3.5. Quản lý viên chức, người lao động, tài chính, tài sản theo phân cấp và quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin giải trình chính xác, kịp thời các hoạt động của Ban theo yêu cầu của người quyết định đầu tư và cơ quan có thẩm quyền.

3.6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế giao.

4. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý dự án

4.1. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án:

a) Lãnh đạo Ban Quản lý dự án gồm Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;

b) Giám đốc là người đứng đầu Ban Quản lý dự án, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban Quản lý dự án;

c) Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công;

d) Kế toán trưởng là người giúp Giám đốc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác tài chính, kế toán của Ban Quản lý dự án, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ của Kế toán trưởng;

đ) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và theo phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ của tỉnh.

4.2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Phòng Hành chính - Tổng hợp;

b) Phòng Kỹ thuật và quản lý dự án;

Phòng thuộc Ban Quản lý dự án có Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng phòng.

5. Về số lượng người làm việc: Số lượng người làm việc của Ban Quản lý dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Về cơ chế tự chủ về tài chính: Ban Quản lý dự án thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Quyết định 3581/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày ký và bãi bỏ quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 11/01/2019 của UBND tỉnh Lào Cai về việc bổ sung một số điều của quyết định số 4325/QĐ-UBND ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai về việc thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế tỉnh Lào Cai.

Ban biên tập






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập