Chính phủ bàn giải quyết ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc
Chiều 08/01/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn
Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến về giải quyết ùn tắc nông sản tại các cửa
khẩu phía Bắc.
Thành phần dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có
lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng,
Ngoại giao, Y tế, Thông tin và Truyền thông; Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam,
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt
Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam.
Dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương (Cần Thơ,
Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Cao Bằng, Bình
Thuận, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, An Giang, Quảng
Nam, Bình Định, Đồng Nai, Hậu Giang, Kon Tum, Sóc Trăng, Gia Lai, Đắk Lắk, Trà
Vinh) có lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành liên quan.
Điểm cầu tỉnh Lào Cai do Phó Chủ
tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh chủ trì. Tham dự có đại diện liên
ngành quản lý cửa khẩu, gồm Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Sở Ngoại vụ, Sở
Công Thương, Ban quản lý khu kinh tế, Sở Y tế, Hải quan.
Hội
nghị nghe đại diện Bộ Công Thương báo cáo tình hình khó khăn, ùn tắc hàng hóa
tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Theo đó, hiện trên tuyến biên giới phía
Bắc có 10 cửa khẩu hoạt động, gồm: 4/7 cửa khẩu quốc tế, 4/6 cửa khẩu chính,
2/21 Cửa khẩu phụ, 0 lối mở.
Tuy
nhiên, tốc độ thông quan rất chậm nên tổng số vẫn đang còn ùn ứ khoảng 3.600 xe
xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc, trong đó tập trung tại Lạng Sơn
tồn khoảng 2.000 xe, Quảng Ninh tồn hơn 1.200 xe. Riêng Cửa khẩu Quốc tế Kim
Thành của Lào Cai cơ bản vẫn đang thông quan thuận lợi…
Quang cảnh cuộc họp
Các đại
biểu dự họp đã thảo luận sâu về các nhóm giải pháp để giải phóng, giải cứu nông
sản. Giải pháp kết nối tiêu thụ nội địa cũng sẽ giúp giải phóng một phần nông
sản xuất khẩu ùn ứ, tuy nhiên khối lượng sẽ không nhiều so với khối lượng hàng
hóa tồn đọng. Giải pháp về việc tiếp cận các thị trường quốc tế mới cũng gặp
khó khăn do các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm, chất lượng hàng hóa,
truy gốc xuất xứ chưa đảm bảo.
Các
giải pháp khác cũng được bàn đến như đàm phán tăng cường phương thức xuất khẩu nông
sản qua cửa khẩu đường sắt, đường biển; giảm chi phí logistics, thuận lợi thủ
tục hải quan; thay đổi tập quán, thói quen giao dịch thương mại tiểu ngạch,
chưa chính thống chứ đựng nhiều rủi ro; thuyết phục ý chí của đối tác về xuất
nhập khẩu…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn
Thành yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục chủ động đưa ra các giải pháp
thích ứng và phối hợp thực hiện để giải quyết ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu
phía Bắc. Giải pháp căn cơ, lâu dài được nêu ra là phải chuyên nghiệp hóa,
hiện đại hóa các vùng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, sản
xuất hữu cơ; kêu gọi xây dựng các nhà máy chế biến quả đóng hộp xuất khẩu lâu
dài sang nhiều thị trường hơn; đàm phán tăng mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu
sang Trung Quốc.
Về giải
pháp trước mắt để giải quyết xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay là cần
làm tốt việc khớp nối lòng tin về an toàn phòng chống Covid-19 trong xuất nhập
khẩu để đồng thời đáp ứng được yêu cầu phù hợp với chiến lược của cả hai phía
cửa khẩu; các địa phương đàm phán tăng thời gian thông quan cục bộ tại từng cửa
khẩu. Điều phối giảm tải lượng xe nông sản tiếp tục vận chuyển đến các cửa khẩu
biên giới phía Bắc trong điều kiện các xe lưu cữu vẫn nằm chờ chưa thông quan
được. Tăng cường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước.
Cao Bá Quý - BQL Khu kinh tế