Công bố “Chỉ số hài lòng của người dân SIPAS” và “Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX” năm 2020

Ngày 24/6/2021, Trung ương đã công bố “Chỉ số hài lòng của người dân SIPAS năm 2020” và “Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX năm 2020”.

Như đã biết, SIPAS đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua 5 yếu tố là “tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị” với 16 lĩnh vực dịch vụ công về cấp Giấy chứng nhận/ Giấy phép/ Xác nhận (Quyền sử dụng đất, Môi trường, Lái xe, Vận tải, Xây dựng, Quy hoạch xây dựng, Văn hóa cơ sở, Thể dục/ thể thao, Trồng trọt/ bảo vệ thực vật, Chăn nuôi/  thú y, Lý lịch tư pháp, Trợ giúp pháp lý nhà nước, Kinh doanh; Tư pháp; Lao động, Thương binh và Xã hội).

SIPAS 2020, Quảng Ninh dẫn đầu với 95,76% (tăng 0,5% so với 2019), Bình Thuận thấp nhất đạt 75,68% (tăng 1,87% so với 2019). Lào Cai đạt 80,01% (giảm 2,04% so với 2019), chỉ xếp thứ 56/ 63 tỉnh (giảm 13 bậc so với năm 2019), nằm cuối cùng trong nhóm trung bình của cả nước và chỉ cao hơn Cao Bằng (78,85%, xếp thứ 61) trong các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

 

Xếp hạng SIPAS 2020 nhóm cuối 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX đánh giá kết quả triển khai cải cách hành chính (CCHC) hàng năm của cấp bộ và cấp tỉnh. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần. Tổng điểm 100, trong đó, 33.5 điểm điều tra XHH. PAR index 2019 của 17 bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu với chỉ số 95,88 điểm, xếp cuối là Bộ Giáo dục và Đào tạo với 83,24 điểm.

Kết quả Chỉ số CCHC 2020 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm như sau: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 02 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng); Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố; Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 05 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83.72%, cao hơn 2.57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81.15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây. Địa phương tăng điểm cao nhất là Bến Tre (+9.42%), tăng thấp nhất là Thái Bình (+0.70%). Mặc dù vậy, vẫn còn 05 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC giảm so với năm 2019 là Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Kiên Giang, trong đó, đơn vị giảm nhiều nhất là Phú Yên (-3.94%).

 

Xếp hạng PAR index 2020 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Về xếp hạng Chỉ số CCHC 2020, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương xếp vị trí thứ nhất bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020 với kết quả đạt 91.04%, cao hơn 0.53% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng, đạt 90.51%. Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020, với kết quả đạt 73.25%. Theo thống kê, trong 8 chỉ số thành phần đánh giá thì có đến 6 chỉ số thành phần Quảng Ngãi nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước. Lào Cai xếp thứ 14 với 85,55 điểm, tăng 2,7 điểm và tăng 01 bậc so với năm 2019.

Cao Bá Quý - BQL Khu kinh tế






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập