Hội nghị trực tuyến Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Sáng 08/8, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với đại
diện doanh nghiệp và các địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản
xuất kinh doanh trong đại dịch Covid-19.
Dự hội nghị, tại đầu
cầu trung ương có các thành viên Chính phủ, một số cơ quan trung ương và 36 đại
biểu đại diện các hiệp hội ngành nghề chủ chốt quốc gia, các tập đoàn, doanh
nghiệp lớn của Việt Nam và quốc tế tại Việt Nam; dự hội nghị tại các đầu cầu truyền
hình tỉnh, thành phố có hơn 1.000 đại biểu là doanh nhân, đại diện doanh nghiệp
toàn quốc. Đầu cầu Lào Cai do Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong và Chủ tịch UBND tỉnh
Trịnh Xuân Trường đồng chủ trì, dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Hoàng Quốc
Khánh, các ngành liên quan và 08 đại biểu là doanh nhân đại diện cho doanh nghiệp
thuộc các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, viễn thông, tín dụng
trên địa bàn Lào Cai.
Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị,
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao những nỗ lực của doanh nghiệp, doanh
nhân liên tục đảm bảo tổ chức sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh
Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã luôn tích cực
chung tay cùng với nhà nước ủng hộ cộng đồng, giúp đỡ người yếu thế trong cuộc
chiến phòng, chống dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã, đang và vẫn
phải tiếp tục đương đầu với rất nhiều khó khăn trong điều kiện dịch bệnh
Covid-19, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2020 và 7 tháng năm 2021
đã tăng từ 13,9% đến 25,5% so với cùng kỳ năm 2019 và 2020. Đó chính là lý do
Chính phủ tổ chức hội nghị đối thoại ngày hôm nay. Quan điểm và mong muốn của
Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị này là “đánh giá, giải pháp, thiết thực, hiệu
quả” từ đó tìm cách tháo gỡ đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ của nhà nước
với doanh nghiệp.
Sau khai mạc của Thủ
tướng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tình hình phát
triển doanh nghiệp năm 2020 và 7 tháng năm 2021, khó khăn, vướng mắc và một số
giải pháp, kiến nghị. Nổi bật trong báo cáo của Bộ trưởng là nhận định 08 khó
khăn, thách thức lớn của doanh nghiệp hiện nay, gồm: (1) tổng cầu giảm mạnh khiến
cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; (2) doanh thu giảm mạnh;
(3) dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể
trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; (4) chi
phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một
tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá
thành sản xuất; (5) chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn,
đình trệ cục bộ; (6) lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước,
giữa một số tỉnh do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý;
(7) khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia; (8) khó khăn về tiếp cận
các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Quang cảnh đầu hội
nghị cầu truyền hình tại Lào Cai
Thảo luận tại hội nghị, với tính chiến đấu và
tinh thần trách nhiệm cao, các doanh nhân đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đã tập
chung vào trao đổi, phát biểu, tương tác với các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ
trưởng, lãnh đạo địa phương về các nội dung chính như: báo cáo tổng hợp của Bộ
trưởng Nguyễn Chí Dũng; các điểm được và chưa được của “3 tại chỗ” đối với
doanh nghiệp trong phòng, chống Covid-19; nhận định 3 khó khăn lớn của doanh
nghiệp hiện nay là gián đoạn chuỗi cung ứng - điểm nghẽn về tài chính thanh khoản
- khủng hoảng lao động việc làm; đề xuất giải pháp tháo gỡ nhiều mặt đối với sản
xuất, kinh doanh của từng ngành nghề; nêu các khó khăn cần phải giải quyết vĩ
mô như giảm chi phí đầu vào, khơi thông đầu ra, giảm thuế phí, giảm lãi suất
tín dụng, vận tải thuận lợi, xuất nhập khẩu, lao động, công nghệ; giải ngân các
gói hỗ trợ của nhà nước chống đứt, gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là
gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng; cơ chế vay tín dụng trả lương cho công nhân; tối đa
tạo lập “vùng xanh” như “khu công nghiệp xanh, chuyên gia xanh, công nhân xanh,
lái xe xanh…” tạo ra nền tảng để từng phần hoạt động doanh nghiệp trở lại hoạt
động trong điều kiện dịch bệnh lâu dài; thay đổi phù hợp việc cấp giấy phép lao
động cho người nước ngoài tại Việt Nam; cần khẩn trương phê chuẩn các dự án đầu
tư nước ngoài để thu hút nguồn lực FDI; các mong muốn về cải cách thể chế cho
phát triển bứt phá sau đại dịch; có cơ chế cụ thể hơn về xã hội hóa xét nghiệm
và chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 để sớm mở cửa từng khu cách ly từ đó mở cửa
thị trường; cần có cổng thông tin quốc gia thống nhất về chống dịch Covid-19 để
thuận lợi cho tra cứu; sớm có giải pháp khôi phục hoạt động cụ thể cho các hãng
hàng không, logistic, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, du lịch, giáo dục đào tạo…
tận dụng tối đa các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết để nâng cao vai
trò của Việt Nam trong chuỗi đầu tư, sản xuất, thương mại quốc tế.

Đại biểu thảo luận
tại hội nghị
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày
tỏ cảm ơn và trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến thảo luận của các đại biểu tại
hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh vào 8 nhóm giải pháp được chia theo 02 cấp độ. Cụ
thể, 04 nhóm các chính sách, giải pháp cần thiết triển khai ngay là: (1) thực
hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện
cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; (2) đảm bảo
lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị
bị gián đoạn; (3) hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; (4) tháo gỡ khó khăn về lao động,
chuyên gia. Và, 04 nhóm chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục
hồi và phát triển là: (5) xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính
chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền
kinh tế; (6) nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, rà
soát tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đơn giản quy trình thủ tục hành chính; (7) thúc
đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; (8) nâng cao hiệu quả
hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng kêu
gọi doanh nghiệp đất nước và toàn thể nhân dân đoàn kết, chung tay cùng Chính
phủ tập trung khắc phục “phủ xanh các vùng đỏ Covid-19” toàn quốc. Với mục tiêu
không để xảy ra khủng hoảng y tế, coi sức khỏe và tính mạng của người dân là
trên hết; cùng với đó là quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tham mưu để Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết
chuyên đề về hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của Covid-19.
Cao Bá Quý - BQL Khu kinh tế